TT. Thích Minh Quang thuyết giảng chủ đề: “Tứ Diệu Đế - Bốn chân lý chắc thật”
30/07/2021 23:30
PSO - 20h tối ngày 30/7/2021 (nhằm ngày 21/6 năm Tân Sửu), TT. Thích Minh Quang -UV HĐTS, Phó Văn phòng 1, TƯGH thuyết giảng chủ đề “Tứ Diệu Đế - Bốn chân lý chắc thật” đến các học viên là cư sĩ Phật tử của khoá 1 - khóa tập huấn: Học pháp online “Phật học cơ bản” trên địa chỉ học trực tuyến: trungtam.hoangphaponline.com do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức
Tứ Diệu Đế là bài kinh sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề tại Varanasi, đức Phật đã đi bộ nói bài pháp đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như. Đây là bài pháp đầu tiên của Ngài và cũng từ đó, 3 ngôi Tam bảo Phật Pháp Tăng chính thức hình thành trong thế gian. Phật là chỉ đức Phật; Pháp là lời chỉ dạy giáo huấn của đức Phật (Tứ Diệu Đế); Tăng là chỉ 5 vị Tỳ kheo sau khi nghe đức Phật thuyết pháp gọi là Tăng đoàn đầu tiên. Trong lần thuyết pháp đầu tiên này, đức Phật giảng về nền tảng của toàn bộ Phật pháp: Tứ Diệu đế. Bài pháp này mở đầu “Thời kỳ chuyển bánh xe chánh pháp thứ nhất” và cũng là nội dung chính đầu tiên của bài Kinh chuyển Pháp luân. Tứ Diệu đế cũng gọi là Tứ Thánh đế là bốn chân lý cao cả, là gốc cơ bản của Phật giáo và Tứ Diệu đế là nội dung trong số kinh nghiệm giác ngộ của đức Phật.
Nói về Tứ diệu đế là 4 sự thật vi diệu, 4 chân lý vi diệu: Tứ diệu đế là chân lý về khổ (Khổ đế) chân lý về nguyên nhân của khổ (Tập đế), chân lý về khả năng chấm dứt khổ (Diệt đế), và chân lý về con đường dẫn đến sự thoát khổ (Ðạo đế). Tứ Diệu đế là đưa chúng ta tìm về những nguyên nhân dẫn đến khổ đau cũng như con đường giúp chúng sinh vĩnh viễn giải thoát khổ đau, đạt được hạnh phúc chân thật.
Khổ đế: Chúng ta sống trong cuộc đời sẽ gặp nhiều nỗi khổ niềm đau, để hoá giải nổi khổ chúng ta phải tu tập để làm thế nào để hoá giải nó. Sự khổ, nỗi khổ của con lừa, lạc đà, sự đói khát của loại ngoạ quỷ là khổ. Nhưng nhà Phật nói đấy chưa phải là khổ mà không hiểu rõ sự thật và phương hướng cuộc đời và thế giới đó mới gọi là khổ. Cách hoá giải đó là dùng thần lực của Phật, bằng sự tinh tấn, tu tập. Trong bài pháp Tứ Diệu đế, đức Phật đã nói về Khổ đế - Đó là nói về những nỗi khổ niềm đau, và muốn biết nó là gì thì phải nhận diện ra nó mới có thể giải quyết được.
Vô ngã là Vô thường - Vô thường là khổ. Vậy khổ là gì, cái gì là khổ. Khổ có 2 loại: Tam khổ và Bát khổ. Tam khổ (3 nỗi khổ): Khổ khổ là nỗi khổ chất chồng (đang dịch bệnh hoành hành thì bão lũ lại đến…) những sự bất trắc của cuộc đời; Ngoại khổ là những gì có hình có tướng, các pháp hữu vi biết đổi theo vô thường; Hành khổ là chỉ cho sự biến đổi của tâm thức, tâm vô thường luôn bị phiền não chi phối như tham, sân, si, yêu ghét, đôa kỵ… chúng ta không kiểm soát và chi phối được; Bát khổ (8 nỗi khổ): Sinh khổ Con người khổ trong sự sinh sống. Người ta khổ từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Con phải nằm trong bụng mẹ chật hẹp, cũng là khổ. Mẹ phải mang nặng đẻ đau biết bao khó nhọc, đó là khổ. Sinh, già, bệnh, chết là lẽ thường tình của 1 kiếp người đều chịu nỗi khổ niềm đau. Con người sống trên đời phải mưu kế sinh nhai, cũng là khổ; Lão khổ Khi đến tuổi già thì thân thể trở nên già nua, mắt mờ, tai điếc; Bệnh khổ Con người phải chịu đau đớn, khổ sở cả về thể xác và tinh thần khi mắc bệnh; Tử khổ: Khi sắp chết thì sợ hãi tinh thần, ngạt hơi rất khổ. Chết đi rồi thì thân xác phân hủy, hôi tanh, gia quyến đau lòng; Ái biệt ly khổ: Con người phải chịu khổ khi yêu mà lại phải chia lìa điều mình yêu, hàng ngày đem lòng mong nhớ, yêu thương nhưng không được gần nhau, không hợp nhau, không thích nhau mà phải sống với nhau, công danh, sự nghiệp tiền bạc ao ước không được đều gọi là khổ. Có hai loại ái biệt ly khổ: sinh ly (chia lìa nhau khi còn sống) và tử biệt (chia lìa nhau khi chết); Sở cầu bất đắc khổ (hay cầu bắt đắc khổ): Con người khổ khi không được toại (bất đắc) nguyện vọng, tham muốn, khao khát của bản thân (sở cầu). Chẳng hạn, lúc đói thì muốn có cái ăn cái mặc; lúc no lại muốn giàu sang phú quý; Oán tăng hội khổ: Con người chịu khổ khi phải tiếp xúc với những thứ mà không thích hoặc oán ghét; Ngũ uẩn khổ (hay ngũ uẩn xí thạnh khổ): Con người khổ vì có sự hội tụ và xung đột của ngũ uẩn - sắc, thụ, tưởng, hành và thức - trong cơ thể. Chẳng hạn, mơ ước (tưởng) quá thì cũng khổ, biết (thức) nhiều thì cũng khổ. Khổ đế chính là sự thật về đau khổ.
Tập đế: Đức Phật chỉ ra cáí khổ và chỉ cho cách để thoát khổ tức là Khổ đế trước và Tập đế sau: Trong Khổ đế, chúng ta đã thấy rõ những nỗi thống khổ của trần gian. Vì đâu sanh ra những nỗi khổ ấy? Ta có thể thoát ra khỏi khổ để sống ở một cảnh giới đẹp đẽ hơn và thoát ra bằng cách nào? Đó là những câu hỏi mà đức Phật sẽ lần lượt giải đáp đó là chỉ khi nào chúng ta đã ý thức một cách sâu sắc những nỗi khổ sở của chúng ta, khi ấy chúng ta mới thấy sự băn khoăn khẩn cấp đi tìm đường tự giải cứu cho chúng ta. Tập đế: Tìm nguyên nhân gây nên khổ đau của chúng sinh. Nhìn bằng Tuệ giác để có cách giải quyết là diệt trừ khổ đau. Đức Phật rất rành tâm lý của chúng sanh, nên mới nêu lên cái khổ trước rồi mới nói cái nhân sau. Luôn tu sửa 3 nghiệp Thân, Khẩu, Ý… Và Tập đế chính là nguyên nhân của đau khổ. Chúng sanh muốn tự giải cứu thì phải cầm tìm xem vì đâu mà có đau khổ, nguyên nhân sinh bệnh khổ đau của chúng sanh đức Phật gọi là Tập đế.
Diệt đế: Sau khi dạy xong Khổ đế và Tập đế, đức Phật liền dạy Diệt đế. Diệt là tiêu diệt, trừ diệt. Diệt ở đây tức là diệt dục vọng mê mờ, phiền não để lấy lý lẽ chân thật mà đức Phật đã thuyết minh về hoàn cảnh tốt đẹp mà mọi người có thể đạt được khi đã diệt hết mọi phiền não, mê mờ. Phiền não, mê mờ là nguyên nhân của đau khổ, như chúng ta đã nghe Phật thuyết trong Tập đế. Khổ là quả, mà tập là nhân. Diệt khổ mà chỉ diệt cái quả thì không bao giờ hết khổ được. Muốn diệt khổ tận gốc, thì phải diệt cái nhân của nó. Diệt đế: Phương pháp chấm dứt nỗi khổ niềm đau luôn luôn dùng Tuệ giác để soi và nhìn lại chính mình. Trong khi nhân quả, Phật dạy rằng: "Các ông phải biết, vì Tập nhân phiền não mới có quả khổ sanh tử, vậy các ông phải dứt trừ phiền não tập nhân. Khi đã dứt trừ rồi, lại thường thương nắm chắc chỗ dứt trừ cho chắn chắc, không khi nào nới bỏ. Đến khi chứng được đạo Niết Bàn, thì phải tất nhiên tập nhân phiền não phải diệt hết, mà khổ luân hồi cũng không còn". Diệt đế là con đường chấm dứt đau khổ đi kèm với chấm dứt tham ái.
Đạo đế: Là chân lý cuối cùng trong Tứ diệu đế của Phật Giáo đó là cách để ta chấm dứt mọi khổ đau. Đây là nơi tập hợp tất cả các nguyên tắc gọi là Bát Chánh Đạo. Khi Ngài chứng đạo là Ngài thấy rõ ràng hết tất cả mọi chuyện. Bát Chánh đạo giúp ta tránh được sự ham muốn và khổ hạnh. 8 chánh này không được thực hiện theo thứ tự mà là hỗ trợ và cũng cố lẫn nhau, bao gồm: Chánh kiến; Chánh tư duy; Chánh ngữ; Chánh nghiệp; Chánh mạng; Chánh tinh tấn; Chánh niệm; Chánh định. Đây là phần quan trọng nhất trong bài Tứ diệu đế, vì nếu có rõ biết đời là đau khổ, nguyên nhân của nó là gì, và nếu có thiết tha cầu giải thoát khỏi cảnh khổ để đến một cõi an vui tốt đẹp nhất là Niết Bàn, nhưng nếu không có phương pháp hiệu nghiệm để thực hiện ý muốn ấy, thì biết cho nhiều cũng vô ích và càng thêm đau khổ. Do đó, Đạo đế là phần quan trọng và được Phật dạy một cách rõ ràng chu đáo. Học giáo lý của Phật nhưng phải thực hành trải nghiệm và áp dụng vào cuộc sống, đưa hành giả tới giác ngộ giải thoát. Tứ Diệu đế đòi hỏi có sự tu tập thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Đạo đế chính là con đường giải phóng chúng sanh khỏi đau khổ. Do đó, Đạo đế là phần quan trọng và được Phật dạy một cách rõ ràng chu đáo. Đạo đế có 37 phẩm, chia ra làm 7 loại: Bốn phẩm đầu trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo là bốn cơ sở tỉnh giác Tứ niệm xứ: Cơ sở tỉnh giác của thân thể (Thân); Cơ sở tỉnh giác của cảm nhận (Thọ); Cơ sở tỉnh giác của tâm thức (Tâm); Cơ sở tỉnh giác của sự vật (Pháp). Khi tu Tứ niệm xứ được thuần thục, hành giả trở nên siêng năng tinh tấn đối với các điều lành. Vì vậy bốn phẩm tiếp theo là bốn nỗ lực chính xác Tứ chánh cần: Việc ác đã sinh, nỗ lực làm cho mau dứt; Việc ác chưa sinh, nỗ lực ngăn không cho sinh ra; Việc thiện đã sinh, nỗ lực làm cho tăng trưởng; Việc thiện chưa sinh, nỗ lực làm cho mau sinh.
Với trí tuệ sáng suốt của mình, đức Phật đã chỉ ra bốn sự thật trong kiếp nhân sinh: Sự thật về những đau khổ ở nhân gian, nguyên nhân dẫn đến mọi sự đau khổ, cách để vứt bỏ những vướng bận trong lòng và con đường chấm dứt khổ đau đó chính là Tứ diệu đế. Tứ Diệu đế hiện nay là cốt lõi, là 4 chân lý chắc thật quan trọng nhất của đạo Phật. Tứ Diệu đế đã thông suốt được những điểm giáo lý có thể được xem như đã thâm nhập toàn bộ con đường giác ngộ giải thoát của đức Phật. Tứ Diệu đế của đức Phật dạy rằng: Ai cũng muốn hạnh phúc, không ai muốn khổ đau. Khổ đau mà chúng ta đều muốn tránh, vốn là kết quả của chuỗi nhân quả có từ trước khi chúng ta ra đời. Nếu muốn hoàn thành nguyện vọng thoát khổ, cần phải dùng Tuệ để hiểu rõ nhân duyên của khổ, nghĩa là vì sao mà có khổ, khổ phát sinh trong trường hợp nào, rồi dựa vào đó mà nỗ lực diệt trừ cái khổ, chúng ta cần hiểu rõ để có thể chủ động tu sửa để mang lại hạnh phúc an lạc. Và đó chính là tinh túy của Tứ Diệu đế.
Tin, ảnh: PSO