Tin, ảnh: PSO
TT.TS Thích Minh Nhẫn thuyết giảng đề tài: “Nghiệp báo”
PSO - Vào lúc 20h, ngày 03/8/2021 (nhằm ngày 25/6 năm Tân Sửu), các học viên khóa 1 học pháp online “Phật học cơ bản” đã được lắng nghe bài giảng của TT.TS Thích Minh Nhẫn – UVTT HĐTS, Phó Trưởng ban - Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp TƯ, Tổng Biên tập Kênh Thông tin Tổng hợp Phật sự online (PSO) với đề tài: “Nghiệp báo”.
Học thuyết nghiệp và nghiệp báo của Phật giáo dựa trên tư tưởng nền tảng của thập nhị xứ, duyên sinh, vô ngã… Trên nền tảng Kinh A Hàm giới thiệu như thế nào là nghiệp? nghiệp báo khác với định mệnh như thế nào? Khẳng định rằng những gì chúng ta đang thọ hưởng do do chính chúng ta tạo nên, không có một đấng thần linh nào có phép màu thần linh để quyết định cuộc đời của người khác hạnh phúc hay khổ đau. Hiểu được nguyên lý này để chúng ta tự tin vào chính mình. Đức Phật đã dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Mình có Phật tính, có đủ năng lực để chuyển nghiệp, hướng thiện. Không chấp nhận đinh mệnh, vì mọi việc diễn ra không có gì là ngẫu nhiên mà đều do chính mình tạo nên. Trong buổi thuyết giảng, Thượng toạ chia sẻ 2 nội dung chính được trình bày trong buổi giảng: Sự ra đời của tôn giáo; Hiểu chính xác về nghiệp, nghiệp báo và nhân quả.
Sự ra đời của tôn giáo: Từ thời kỳ nguyên thuỷ, tôn giáo ra đời với sự thiêng liêng hóa các nguồn lợi của con người trong sản xuất và cuộc sống: thần Đất, thần nước, thần gió, thần lửa… Tôn giáo thời kỳ đó là sản phẩm của tư duy trừu tượng trong một đời sống xã hội ổn định với các vị thần cụ thể, với nghi thức cụ thể của một cộng đồng tộc người, dân tộc hay địa phương nhất định. Tất cả các vị thần tồn tại và được chấp nhận như một tôn giáo chính thống. Các tôn giáo nguyên thủy, sơ khai thể hiện niềm tin bản năng của con người và lúc ấy chưa gắn với các lợi ích về kinh tế - xã hội. Các hình thức phổ biến của tôn giáo nguyên thủy gồm có: Tự nhiên thần giáo (Đa thần giáo); Giao thế thần giáo (Nhị thần giáo); Vũ trụ Sáng tạo luận - Phạm Thiên sinh ra thần giáo (Nhất thần giáo) … đã thể hiện hình thức nhận biết đầu tiên về mối liên hệ của con người với các hiện tượng xung quanh. Những mối quan hệ giữa loài vật với cộng đồng và con vật này lại trở thành tổ tiên chung. Hay như đặt lòng tin vào những thuộc tính siêu nhiên của các vật thể như hòn đá, gốc cây, bùa, tượng…
Đức Phật sinh ra trong thời kỳ ở Ấn Độ các tôn giáo và xã hội phát triển. Để phù hợp với những giáo lý của Phật giáo, Đức Phật đã dựa trên những tôn giáo đang có để điều chỉnh cho phù hợp. Theo đức Phật thì tất cả các giáo Pháp đều là vô thường, khổ không, vô ngã, đều do duyên sinh (duyên hợp lại): Đất, nước, gió, lửa. Con người luôn thay đổi một cách không dừng tuân theo nguyên tắc: Sinh, lão, bệnh, tử nên gọi là vô thường.
Hiểu chính xác về nghiệp, nghiệp báo và nhân quả: Tất cả chúng sanh đều tuân thủ theo luật nhân quả, đều do con người tạo nên. Sự vật hiện tượng diễn ra với mình, hạnh phúc hay khổ đau do chính bản thân mình tạo nên. Khi hiểu được nguyên lý vận hành để chúng ta tự tin vào chính mình để tu tập, để chuyển hoá nghiệp. Những gì đang có trong đời sống hiện tại của chúng ta là do hạt giống đã được gieo từ nhiều đời kiếp trước, không phải chỉ mới tạo ra ở trong đời này. Chúng ta sống phải chịu trách nhiệm về những hành động từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm của mình, muốn sướng hay khổ hoàn toàn do mình tự tạo chứ không do một ai khác có quyền định đoạt sướng khổ cho mình; Nếu chúng ta tạo nghiệp tốt thì sẽ trổ quả tốt, còn ngược lại nếu ta gieo nhân xấu thì sớm hay muộn gì chúng ta cũng nhận quả xấu. Nghiệp đã gieo thì trăm, ngàn kiếp vẫn không mất. Khi đủ nhân duyên nó sẽ xuất hiện. Ai gây quả ác thì sẽ nhận quả ác, ai tạo quả lành sẽ nhận quả lành. Tạo nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong đời hiện tại hay trong đời tái sinh. Mỗi chúng sinh đều có quyền làm chủ lấy mình, khi quyết định tạo nghiệp thiện hay ác.
Nghiệp báo nhân quả thuộc về tâm thức, nó vô hình không thấy được, nhưng nó điều khiển cả vật chất lẫn tinh thần; nghiệp quả trong phạm vi vật chất như giàu nghèo, thọ yểu…; trong phạm vi tinh thần như vui sướng, buồn khổ.... Một nghiệp tốt mang lại kết quả tốt, có thể ở kiếp hiện tại hay ở kiếp tương lai, một nghiệp xấu mang lại kết quả xấu, ở ngay kiếp này hay ở kiếp mai sau; Muốn thoát khỏi nghiệp báo luân hồi, phải thoát khỏi nghiệp báo nhân quả. Muốn thoát khỏi nghiệp quả, phải từ bỏ nghiệp xấu; Muốn từ bỏ nghiệp xấu phải trừ hết ái dục, ái dục là vi tế ngủ ngầm của tham sân si, tức là sạch hết “Vô minh”; Sạch hết vô minh tức được giải thoát; Muốn được giải thoái tức là không bị tham sân si tà sai kiến, thúc đẩy tạo nghiệp thì chúng ta phải biết làm chủ lấy mình, không để những tư tưởng ý kiến vô căn cứ lung lạc ý chí của mình.
Luôn nuôi dưỡng tâm thiện lành bằng phương pháp tu tập, làm việc thiện để hướng tâm luôn luôn nghĩ và hành điều thiện. Trong nhà Phật dạy: Những việc làm cho người khác buồn, lo, sợ, khổ, đau …gọi là ác; còn những việc làm cho người khác vui, sướng, khoẻ mạnh…là những việc thiện. Hãy nuôi dưỡng, hướng tâm thiện và hành thiện xuyên suốt trong hiện tại và vị lai. Vận hành của nghiệp dựa trên giáo lý của đức Phật. Trong kinh A-Hàm Đức Phật dạy: "Người gây nhân bất thiện, biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ đổi thay. Nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm thì gây nhân nào sẽ thọ quả nấy".
Như vậy chúng ta thấy rõ muốn thoát nghiệp phải tu tập tích lũy công đức, càng nhiều công đức thì chúng ta mới có thể hoà tan dần dần để đi đến xoá bớt nghiệp mà chúng ta đã tạo. Chúng ta thực hành, tu tập giữ gìn giới đức và hành thiện, không làm việc xấu ác nữa mà thực hành những điều thiện lành. Tu sửa, thanh lọc “Thân, Khẩu, Ý” từ những lầm lỗi bất thiện dần dần trở nên thiện lành. Đó chính là giá trị về nghiệp, nghiệp báo và nhân quả mà Đức Phật đã truyền lại cho chúng ta từ mấy ngàn năm qua.