PSO
ĐĐ. Thích Minh Ân thuyết giảng đề tài: “Nghiệp vụ và Bài học kinh nghiệm viết tin tức hoạt động Phật sự” tại khoá tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0
PSO Chiều ngày 29/7/2021 (nhằm ngày 20/6 năm Tân Sửu), hơn 250 học viên khoá 1 - Khoá tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0 đã được ĐĐ. Thích Minh Ân – Phó Tổng Biên tập Kênh Thông tin Tổng hợp Phật sự online (PSO) thuyết giảng đề tài: “Nghiệp vụ và Bài học kinh nghiệm viết tin tức hoạt động Phật sự” trên địa chỉ học trực tuyến trungtam.hoangphaponline.com.
Mở đầu bài giảng, ĐĐ. Thích Minh Ân đã chia sẻ những nghiệp vụ và kỹ năng cơ bản khi viết một bài báo, tin tức trên hoạt động Phật sự trên website, cổng thông tin điện tử, báo online Phật giáo. Đại đức nhấn mạnh 4 tiêu chí mà người viết bài cần phải quan tâm và nếu thực hiện tốt thì hoạt động truyền thông báo chí sẽ đẹp lại hiệu quả chuyên nghiệp. Cụ thể: 1.Những yếu tố cơ bản viết tin; 2.Một số vấn đề về tin tức báo chí trong môi trường Phật giáo; 3.Những kiến thức cơ bản cần nắm vững khi tác nghiệp trong môi trường Phật giáo; 4.Những vẫn đều lưu ý khi tham gia tác nghiệp trong môi trường PG
1.Những yếu tố cơ bản để viết tin: Cũng có 4 nội dung chính được đặt ra: Khái niệm tin tức báo chí; Nguyên tắc 5W và 1H; Cách đăt tiêu đề cho 1 bài báo; Tính chính xác và có thật của sự kiện; Ảnh báo chí
Khái niệm tin tức báo chí: Báo chí là loại hình hoạt động thông tin chính trị - xã hội, ra đời do nhu cầu thông tin - giao tiếp, giải trí và nhận thức của con người. Trong các hình thức truyền thông căn bản, báo chí là hoạt động sản xuất và cung cấp thông tin thời sự về mọi hoạt động của xã hội đến công chúng công khai, tính thời sự, tính tương tác, tính đa dạng, tính định kỳ... Thuật ngữ “tin” hay gọi là “tin tức” báo chí là những sự kiện mới đã, đang hoặc sẽ xảy ra, liên quan đến nhiều người hoặc được nhiều người quan tâm. Tin cũng có thể là sự kiện đã xảy ra đã lâu nhưng nổi tiếng nhiều người biết tới, có thêm tình tiết mới; Một sự kiện hay vấn đề có tính hấp dẫn được nhiều người quan tâm. Báo chí xuất phát từ 2 từ “báo” – thông báo và “chí” – ghi lại. Tuỳ theo từng đặc điểm của mỗi thể loại mà ưu tiên các tính năng để phát huy vai trò của thể loại báo đó.
Nguyên tắc 5W và 1H: Là sáu yếu tố phải có trong một bản tin chính quy. Trong một số dạng tin có thể không trả lời đầy đủ 5W+H, nhưng ít nhất cũng phải chứa đựng 4 yếu tố: What, Who, Where, When. Yếu tố 5W+H là những yếu tố được phản ánh trong đoạn đầu bài viết hoặc phần đầu của một bản tin và không nhất thiết theo thứ tự nào cả. Đây là các yếu tố trong một bản tin được sắp xếp lại bằng một nhóm chữ rất dễ nhớ cụ thể (5W+H): WHAT - Vấn đề gì, nội dung gì; WHO – Ai là người thực hiện, giải quyết vấn đề này gặp ai...; HOW – Thực hiện như thế nào, các bước thực hiện? ; WHERE – Thế nào (Xảy ra ở đâu, nước nào, địa phương nào?); WHEN - Ở đâu (Xảy ra khi nào, ngày nào, giờ nào?); WHY – Khi nào (Tại sao xảy ra? Nguyên nhân do đâu?); WHAT – Tại sao (Chuyện gì, cái gì đã xảy ra?) + HOW - Xảy ra như thế nào? Kết quả ra sao?Cách đặt tiêu đề (title) cho 1 bài báo: Đặt tiêu đề, tít cho một bài báo, bản tin rất quan trọng, quyết định 50% sự thành công của bài viết. Và tít bài phải diễn đạt được nội dung của bài viết ngắn gọn, dễ hiểu (10 từ trở lại là tốt nhất hoặc không qúa 20 từ). Tránh lối sáo mòn trong phong cách đặt tít, luôn thay đổi, sáng tạo. Nếu đặt tít tốt có thể diễn đạt được nội dung và sự hấp dẫn của bài viết đến với người đọc.
Tính chính xác và có thật của sự kiện: Phải là một sự kiện có thật, tin tức chính xác đóng vai trò quan trọng và đây là tiêu chuẩn đầu tiên của một nền báo chí chất lượng. Đảm bảo tính nhân văn, các thông tin đòi hỏi phải tuyệt đối đúng và chính xác. Nhanh chóng kịp thời đăng tin vào thời gian sớm nhất. Đặc biệt khi viết tin không nêu những ý kiến cá nhân và giả định của cá nhân vào.
Ảnh báo chí: Ảnh có ưu điểm đó là trực diện, nhìn thấy ngay, dễ hiểu và hấp dẫn người xem đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 hình ảnh trong hoạt động báo chí càng phố biến và quan trọng hơn. Có 2 dạng được sử dụng đó là: Ảnh minh hoạ theo tin bài và ảnh riêng có ý nghĩa và vai trò gần như một bài báo độc lập (phóng sự ảnh). Ảnh phải được chụp có mục đích, ý định rõ ràng (không chụp cho có); Xác định chủ thể của tấm ảnh: Chụp ai? Chụp cái gì; Chụp nhiều tấm, nhiều góc độ khác nhau. Các bức ảnh có ý nghĩa hỗ trợ phối hợp và bổ sung thông tin cho nhau; Chụp xa để lấy khung cảnh khái quát, tổng quát. Chụp gần, cận cảnh để đặc tả. Chụp cho mục đích, so sánh; Chụp theo thứ tự rõ ràng, không nhảy cóc; Trong một khu vực, hãy chụp từ ngoài vào trong, từ khái quát đến chi tiết; Sau khi chụp cần ghi rõ ngày giờ, địa điểm chụp, nội dung muốn nói trong bức ảnh; Lưu giữ tất cả những hình ảnh đã chụp (dù không xử dụng hết); Có thể chỉnh sửa, biên tập theo ý mình bằng cách cắt bỏ những nội dung, chi tiết thừa ngoài viền, chỉnh màu sắc, sự sáng tối; Chụp rõ, đẹp, dung lượng lớn (để có thể phóng to, cắt chỉnh…).
2.Một số vấn đề về tin tức báo chí trong môi trường Phật giáo: Quy trình viết tin, bài điều đâu tiên là: Tìm ý tưởng; Thu thập thông tin để xác định trọng tâm khi viết tin
Tin tức báo chí là những bài viết được sử dụng trên các trang tin điện tử, trên website, cổng thông tin điện tử, báo online Phật giáo. Bài ngắn là tin, tin dài là bài. Các thành phần của một bài báo gồm: Tít; Sa-pô; Cung cấp thông tin cốt lõi (Nhân dịp… ai… đã/sẽ làm…) hoặc nhắc lại thông tin, gợi sự liên tưởng tới những thông tin đã có từ trước (Như tin đã đưa về…. Nhưng/Tuy nhiên/Thực tế…lại…);
Xác định trọng tâm của sự kiện để thiết lập trật tự thông tin không thể bỏ qua việc: Mô tả không gian xảy ra sự việc/bối cảnh xảy ra sự việc/đối tượng tham dự/ nhân vật chính…; Đặc biệt là không thể bỏ qua nguyên tắc nguyên tắc 5W và 1H và cách đặt tiêu đề (tít). Trong nội dung thân bài gồm các tít giữa và các đoạn nêu lên tư liệu, con số, phát biểu, phỏng vấn ý kiến… và kết luận tin, bài viết dùng chi tiết ấn tượng/kêu gọi hành động) hoặc kết mở (đưa ra những phương hướng, định hướng, suy tư, trăn trở…).
3.Những kiến thức cơ bản cần nắm vững khi tác nghiệp trong môi trường Phật giáo: Người làm truyền thông Phật giáo cần phải nắm vững 3 vấn đề: Nắm vững được thuật ngữ chuyên môn (ngôn ngữ chuyên ngành) để tránh viết sai tên, chức vụ của người tham dự ; Nắm vững cơ cấu tổ chức; Nắm vững kỹ năng tác nghiệp.
Nắm vững được thuật ngữ chuyên môn: Quy định, cách dùng từ trong truyền thông Phật giáo (viết hoa, viết thường, viết tắt…) phải nắm ít nhất từ 5-10 thuật ngữ chuyên môn thì bài viết có giá trị.
Nắm vững cơ cấu tổ chức: Trong Giáo hội phải nắm vững cơ cấu tổ chức hệ thống dọc từ Trung ương đến tỉnh, huyện; Hệ thống ngang là các Ban, Viện của trung ương (VD: TƯGH có 2 Hội đồng là HĐCM, HĐTS và 13 Ban, Viện TƯ; Các tỉnh cũng phải nắm được lãnh đạo BTS tỉnh, thành theo hệ thống dọc và ngang. Khi đi tác nghiệp, phải trang bị kiến thức và nghiên cứu thêm biết cách viết bài và xử dụng những kỹ năng mềm liên hệ BTC hoặc MC để lấy thêm tư liệu tham khảo trước khi đăng tin, bài.
Nắm vững kỹ năng tác nghiệp: Trực tiếp đến nơi diễn ra sự kiện đòi hỏi phải có công cụ, phương tiện để phục vụ tác nghiệp được một cách đầy đủ nhất. Đến trước giờ diễn ra để xem và kiểm tra toàn cảnh và nội dung chương trình; Bình tĩnh xử lý các tình huống nếu xảy ra các sự cố phải khắc phục và bằng mọi cách đạt được đó là phải có thông tin bản tin
4.Những kiến thức cơ bản cần nắm vững khi tác nghiệp trong môi trường Phật giáo: Cũng có 3 vấn đề phải lưu tâm: Cách di chuyển chọn vị trí; Tác phong thái độ ứng xử; Đạo đức nghề nghiệp.
Cách di chuyển chọn vị trí: Trong buổi lễ trang nghiêm, nên đến trước khi thời gian buổi lễ diễn ra (30 – 60 phút) để chọn cho mình vị trí, khu vực lấy hình ảnh chuẩn. Tránh tình trạng di chuyển liên tục làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của buổi lễ.
Tác phong thái độ ứng xử: Hành nghề theo chuẩn mực “Tâm sáng, bút sắc”, ứng xử hợp tình, hợp lý trong khi tác nghiệp, tránh những hành vi ứng xử không đúng mực. Khi tham dự các buổi lễ của Giáo hội phải ăn mặt, đi đứng cho phù hợp, tránh mang những trang phục không hợp lý khi tham gia buổi lễ (nếu là cư sĩ, Phật tử). Cũng có một số hình ảnh Tăng Ni khi tác nghiệp, để kịp phục vụ cho bức ảnh thời sự, tin tức nên không tránh khỏi những hình ảnh không đẹp. Điều này các vị là Tăng Ni khi tác nghiệp lưu ý, có thể truyền lại cho đệ tử là Phật tử thay thế mình tác nghiệp để tránh những tình huống xảy ra không mong muốn, làm méo mó hình ảnh của tu sĩ trong đại chúng.
Đạo đức nghề nghiệp: Đưa tin đúng sự thật, có giá trị nhân văn, lan toả những điều tốt đẹp, không nêu những ý kiến, quan điểm cá nhân của mình, không trục lợi. Người làm báo phải có lập trường, tư tưởng vững vàng trước cái sai - đúng, có óc phân tích vấn đề và sự khéo léo để chuyển tải thông tin một cách đúng mực, hơn lúc nào hết, bên cạnh "cái đầu lạnh", người làm báo còn cần phải có một "trái tim nóng" để không bước qua lằn ranh mong manh giữa đạo đức nghề nghiệp và sự cám dỗ của vật chất.
Trong thời đại công nghệ 4.0, người làm báo chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp đều có thể tồn tại song song nhằm phục vụ đối tượng độc giả là các thành phần cư dân trong xã hội. Với Phật giáo, ngoài phục vụ cho chư Tôn đức Tăng Ni thì lượng tín đồ Phật tử và những người yêu mến đạo Phật chiếm số lượng không nhỏ. Mỗi người có sự quan tâm và nhu cầu thông tin với các mức độ khác nhau đòi hỏi người viết bài cho trang tin phải luôn hiểu rõ ai là người sẽ đọc và tiếp cận tin tức bài viết của mình, từ đó nắm bắt nhu cầu người đọc quan tâm để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, ngắn ngọn đáp ứng nhu cầu thông tin của đại chúng. Nghề báo hiện đại luôn đặt ra nhiều yêu cầu, kỹ năng tác nghiệp mới, nhưng nếu nắm vững những tiêu chí cơ bản trên thì người viết có thể có được hành trang quý giá vững bước trên con đường tới đích chuyên nghiệp.
Cuối buổi chia sẻ Đại đức cũng đã dẫn chứng và đưa ra một số bài báo để phân tích và hướng dẫn (cầm tay chỉ việc) cách viết tin và giao bài tập cho các học viên thực hành để các học viên có thể ứng dụng những kiến thức vừa học vào áp dụng trong cách viết tin, bài. Buổi chia sẻ khép lại trong tinh thần đầy hoan hỷ và phấn khởi của toàn thể học viên tham dự khoá học.