Hoằng Pháp Online

ĐĐ. Thích Pháp Trí thuyết giảng chủ đề “Nhân quả - Pháp hành thường quán niệm” tại khoá Học pháp online “Phật học cơ bản”

PSO - Vào lúc 20h ngày 29/7/2021 (nhằm ngày 20/6 năm Tân Sửu), ĐĐ. Thích Pháp Trí – UV Ban Pháp chế Trung ương; Chánh Thư ký Ban Trị sự PG tỉnh Kiên Giang; Thành viên BBT Kênh Thông tin Tổng hợp Phật sự online (PSO) đã thuyết giảng chủ đề: “Nhân quả - Pháp hành thường quán niệm” cho các học viên là cư sĩ Phật tử tại khóa tập huấn: Học pháp online “Phật học cơ bản” do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức trên địa chỉ học trực tuyến: trungtam.hoangphaponline.com. Nhân quả là Giáo lý cơ bản của nhà Phật, dạy cho con người thấy được sự luân hồi, biến đổi của vạn vật để từ đó vận dụng khéo léo trong cuộc sống thường nhật. Là người Phật tử, khi nói đến nhân quả đều hiểu ít nhiều về nhân quả thông qua trong cuộc sống hàng ngày đó là gieo nhân tốt sẽ gặp được quả ngọt. Giáo lý nhân quả rất gần gũi với mỗi người, đặc biệt là những người con Phật, có nhiều cơ hội phát triển giáo lý nhân quả. Nhân quả tương tác đến tất cả mọi người trong xã hội, và nó đang diễn ra hàng ngày, hiện hữu và có mặt mọi lúc, mọi nơi. Đức Phật bằng Tuệ giác đã chỉ ra những triết lý cơ bản của nhân quả để cho chúng ta ngày nay thực hành. Với người Việt từ ngàn xưa vẫn lưu truyền những câu chuyện cổ tích để dăn dạy chúng ta như câu chuyện: “Cây tre trăm đốt”, “sọ dừa” hay những câu thành ngữ “Gieo gió ắt gặp bão”, “Ở hiền gặp lành”, “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”…Quan điểm này rất gần gũi với Giáo pháp của đức Phật. Nhân quả, nói đầy đủ là “nhân duyên quả” đó là việc làm tạo nhân rồi nhiều năm sau mới có kết quả. Khoảng giữa nhân và quả đó là duyên (duyên là chất xúc tác để tạo quả). Bởi vì nhân quả và luân hồi, cho nên nếu muốn có quả đẹp, luân hồi đẹp, sự tiếp nối cái đẹp để lại cho con cháu, cho gia đình, cho người thương, thì phải tạo nghiệp tốt. Và luôn có chánh niệm mọi lúc, mọi nơi thông qua hoạt động hàng ngày trong sinh hoạt. Điều đó thể hiện ở 3 trạng thái “Tư duy; Ngôn ngữ; Hành động”. Tư duy, ngôn ngữ, hành động trong đạo Phật gọi là “Thân-Khẩu-Ý”. Để có nhân tốt thì “Thân-Khẩu-Ý” phải hướng thiện. Từ cái nhân tốt, nhờ duyên tốt, chắc chắn tạo ra quả tốt. Và mỗi tư duy được thể hiện bằng hành động. Tư duy tiêu cực sẽ bộc lộ ra bằng hành động bất thiện. Hành động bất thiện chắc chắn sẽ gây cho những người xung quanh đau khổ và bản thân người đó cũng đau khổ. Ngôn ngữ, lời nói ra một câu tiêu cực sẽ gieo sự bất hòa, nghi kỵ, hận thù, câu nói đó chắc chắn sẽ gây cho những người xung quanh đau khổ và bản thân người đó cũng đau khổ. Hành động cũng vậy. Nếu hành động gây chia rẽ, tàn phá, giết chóc thì hành động đó chắc chắn sẽ gây cho những người xung quanh đau khổ và bản thân người đó cũng đau khổ. Tất cả tư duy, ngôn ngữ, hành động con người gây ra là sự tạo nghiệp. Nhà Phật gọi thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Những nghiệp đó khi được tạo ra thì sẽ đi vào vòng luân hồi. Trong Giáo lý Phật giáo luân hồi là sự tiếp nối, sự chuyển hóa sự sống của một sinh vật qua nhiều kiếp theo sự tái sinh. Phật dạy, mọi vật, mọi hiện tượng đều vô thường, tức là nó không có thường mà biến đổi trong từng phút giây, sự biến đổi đó gọi là luân hồi. Trong đạo Phật cũng có một tiêu chuẩn để xây dựng một con người sống tốt tự mình thay đổi số phận để được hạnh phúc viên mãn đó là thực hành Bát chánh đạo (tám con đường tu tập chân chính để giúp vượt ra khỏi khổ đau. Đó là:Chính kiến (Thấy đúng); Chính tư duy (Nghĩ đúng); Chính ngữ(Nói đúng);Chính nghiệp (Hành động đúng);Chính mệnh (Phương tiện mưu sinh chân chính);Chính tinh tiến (Cần mẫn và nỗ lực chân chính); Chính niệm (Ý thức chân chính);Chính định (Thiền định chân chính). Muốn có quả đẹp, luân hồi đẹp thì phải tạo nghiệp tốt. Tức là nói phải nói lời chánh ngữ, tư duy suy nghĩ phải là chánh tư duy với tình thương, với sự hiểu biết và hành động nhân ái, hòa thuận với gia đình với bạn bè phải là chánh hành. Tư duy đúng đắn, nói lời nói ái ngữ, hành đồng đúng đắn sẽ tạo ra luân hồi đẹp. Khi có nghiệp tốt sẽ đưa đến kết quả tốt. Nghiệp xấu đưa đến kết quả xấu. Chữ nghiệp chỉ có nghĩa là hành động. Không có nhân nào mà không có quả cho nên phải cẩn thận trong  suy nghĩ, hành động và lời nói. Một câu nói ân tình giúp người hòa giải với nhau, giúp người có niềm tin vào tương lai, đem lại sự hiểu biết và tình thương cho nhau. Đó là lời nói chánh ngữ chứ không phải là tà ngữ, đó là sự tiếp nối của mình. Trong Giáo lý căn bản của đạo Phật người Phật tử ngoài bát chánh đạo để giúp con người vượt ra khỏi khổ đau, sống cuộc sống an lạc còn phải giữ ngũ giới (5 giới) do Đức Phật chế để thực hành và có đời sống được an lành hạnh phúc: Không sát sanh; Không nói dối Không uống rượu; Không tà dâm; Không trộm cắp. Nhân quả sẽ ghi nhận những việc mình làm, không bỏ xót bất cứ một ai, bất cứ một việc gì. Đạo Phật dạy chúng ta không làm các việc ác, vâng làm các việc lành, vì vậy trước khi hành hành động một việc gì đó, chúng cần phải suy xét xem hành động đó có chuẩn mực hay không? Hành động đó có tạo ra khổ đau cho chính mình, khổ đau cho cha mẹ, khổ đau cho người mình thương hay không? Nếu như thường xuyên làm tổn thương người khác sẽ hứng quả ác, gặp nhiều bất mãn, nhân duyên không thuận lợi. Để có được quả tốt, chúng ta nên thiết lập cuộc sống bình an thông qua nụ cười, lời nói, cử chỉ ánh mặt thân thiện, chia sẻ an ủi để tạo nhân quả thiện lành, giải nghiệp oan trái từ đời này qua đời sau. Nếu như chẳng may người thân, bạn bè của mình có những hành động, việc làm gây tổn hại và làm ta phiền lòng thi lấy tình thương và lòng từ bi để hoá giải, không nên giận dữ, đáp trả lại sẽ gây tổn phước, sẽ tạo ra những nhân xấu, tạo những quả xấu.. Muốn đạt được điều đó thì người Phật tử luôn điều chỉnh tâm mình hướng thiện, làm nhiều việc thiện, tích lũy công đức, gia tăng phúc báo. Hãy tự mình thay đổi số phận để hạnh phúc viên mãn.

Tin, ảnh: PSO

     
Download iOS Download Android