Hoằng Pháp Online

HT.Thích Minh Thiện thuyết giảng chủ đề “Bổn phận của người Phật tử tại gia” tại khoá học pháp online “Phật học cơ bản”

PSO - Sau khi Quy y Tam bảo, thọ Tam quy, Ngũ giới thì người Phật tử chính thức làm người con Phật. Thật tự hào khi được là con của đức Phật, điều đó gắn liền với những lý tưởng và đức tin rằng đức Phật là một bậc Đại Giác ngộ. Là Phật tử, bổn phận của người Phật tử tại gia chúng ta sẽ làm những gì? Làm thế nào để phát huy được vai trò hộ pháp? Và người Phật tử chân chánh thì phải có những đức tính gì? những câu hỏi đó đã được HT. Thích Minh Thiện – UV HĐTS, Phó trưởng Ban Hoằng pháp TƯ làm rõ trong buổi thuyết giảng tại khoá học pháp online “Phật học cơ bản” trên địa chỉ: trungtam.hoangphaponline.com cho các cư sĩ Phật tử vào lúc 20h ngày 26/7/2021 (nhằm ngày 17/6 năm Tân Sửu) với chủ đề “Bổn phận của người Phật tử tại gia”. Đạo Phật là con đường mang đến giá trị an lạc và chấm dứt mọi khổ đau, làm cho chúng ta an lạc trong hiện tại và giải thoát luân hồi trong tương lai được nuôi dưỡng qua con đường tu tập. Đức Phật vì sự hạnh phúc cho số đông, cho chư Thiên và loài người Ngài đã chỉ ra mọi người thấy được nguyên nhân của nỗi khổ niềm đau và vạch ra con đường đưa đến giải thoát nổi khổ niềm đau đó chính là Tứ điệu đế, Bát chánh đạo … Từ thời đức Phật đã có 2 giới hình thành đó là giới xuất gia và tại gia. Người đệ tử xuất gia vươn đến để học những điều Phật dạy, để tu để chứng. Người đệ tử tại gia nghe, làm và đi theo con đường Phật dạy. Tuy nhiên Người Phật tử tại gia có bổn phận hơn ai hết đó là ngoài bổn phận làm người tại gia, người Phật tử còn có thêm bổn phận làm Phật tử trong vai trò hộ trì Phật pháp. Trong buổi thuyết giảng, Hoà thượng đã đề câp đến 4 bổn phận của người Phật tử tại gia: Bổn phận đối với tự thân; Bổn phận đối với gia đình, quyến thuộc; Bổn phận đối với người ngoài gia đình; Bổn phận đối với Phật pháp.... Bổn phận đối với tự thân: Người Phật tử tại gia sau khi Quy y tam bảo luôn phải cố gắng trau dồi đức hạnh, tu tâm dưỡng tánh, giữ ngũ giới để sống tốt đời đẹp đạo cho thân tâm được an lạc, thanh tịnh để được hạnh phúc trong hiện tại và bước lên đường giải thoát trong tương lai; Mỗi Phật tử phải luôn luôn cố gắng sám hối và ngăn ngừa những việc làm sai trái, vượt lên khỏi kiếp người, vượt ra ngoài lục đạo, sống chánh tín, tin sâu Tam bảo, sám trừ các phiền não phát triển lòng thành thật, dứt được tội, tăng được phước; Giữ gìn “Tâm - Khẩu – Ý” không làm những điều ác, vâng làm các việc lành, giữ tâm ý thanh tịnh chuyên tâm trì Chú, niệm Phật, phát tâm từ bi...; Siêng năng học Pháp và học hỏi giáo lý, triết lý, chánh tín của đức Phật (nhân quả) qua sự hướng dẫn của những người tu hành chân chính, có như thế thì chúng ta mới có thể vượt ra khỏi kiếp người, bước thêm một bước dài trên con đường giải thoát. Bổn phật đối với gia đình và quyến thuộc: Điều đầu tiên người Phật tử tại gia có trách nhiệm hướng dẫn mọi người trong gia đình biết quy hướng về Phật pháp, để cùng nhau học hỏi và tu sửa. Cung kính hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Sống chung thủy trong vợ chồng. Nuôi dạy con cái với tinh thần trách nhiệm cao, tin sâu nhân quả và biết tự lực trong cuộc sống. Thương yêu nhường nhịn, vui vẻ thuận thảo giúp đỡ anh chị em quyến thuộc. Các Phật tử có thể tham khảo thêm Kinh Thiện sanh, Kinh Phước đức… Bổn phận của phật tử đối với xã hội: Hãy là 1 công dân tốt, 1 Phật tử tốt làm tròn nghĩa vụ công dân, chấp hành luật pháp. Tham gia các phong trào xã hội, dấn thân đóng góp vì lợi ích mọi người. Sống gương mẫu đạo đức để mọi người có thiện cảm và hiểu đúng về đạo Phật chân chính. Chúng ta sống trong một nước được yên ổn, ấm no và hạnh phúc chúng ta phải thọ ân Chính phủ, chung tay xây dựng đất nước ngày thêm văn minh, giàu đẹp. Đức Phật dạy: “Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật”. Đức HT. Thích Trí Thủ dạy: “Những gì tôi phục vụ cho Đạo pháp tức là phục vụ cho Dân tộc và cũng như vậy Những gì tôi Phục vụ cho Dân tộc tức là phục vụ cho Đạo pháp”. Bổn phận đối với Phật pháp: Trong giáo đoàn truyền giáo của đức Phật thiết lập, hai chúng xuất gia và tại gia mặc dù nếp sống khác nhau, hành sử khác nhau, nhưng quan hệ chặt chẽ lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau trên con đường tu tập cũng như hoằng truyền chánh pháp. Đối với người Phật tử tại gia việc hộ trì Phật pháp (Hộ trì Tam bảo đối với Phật-Pháp-Tăng) gồm có những nội dung chính sau: Hộ trì Phật bảo: Đức Phật là bậc toàn trí toàn năng, đã hoàn toàn giác ngộ, đầy đủ năng lực phi phàm, trí tuệ siêu việt, đức hạnh viên mãn. Với ý nguyện cứu độ chúng sanh, ngài đã làm những việc mà chúng sinh không thể làm, ngài đã bỏ ngai vàng làm kẻ ăn xin, năm năm tầm sư học đạo, sáu năm tu khổ hạnh, bốn mươi chín ngày nhập định nơi cội cây Bồ Đề và nhờ những công hạnh này ngài trở thành bậc đại giác Thế Tôn. Từ đó suốt 49 năm ngài tuyên dương chánh pháp để cứu độ chúng sinh, vạch cho chúng sinh con đường giác ngộ và giải thoát. Chúng ta phải làm theo những việc của Phật đã làm, phải làm theo những lời chỉ dạy của Ngài và phải chứng thành đạo quả như Ngài đã chứng...Để báo đáp công ơn sâu dầy và cao cả của đức Thế Tôn, người Phật tử xuất gia cũng như Phật tử tại gia luôn luôn làm tròn những bổn phận mà đức Phật đã trao truyền. Hộ trì Pháp bảo: Kinh ghi chép lời Phật dạy, thường xuyên đọc kinh điển để mở mang trí tuệ, đóng góp tiền bạc để in kinh sách, phổ biến giáo lý của đức Phật đến mọi người, để cho nhiều người biết đến, tin theo và làm đúng lời Phật dạy. Nhờ có kinh điển chúng ta hiểu được cuộc đời là giả tạm, phải tu chứng đạt đến Niết Bàn để giải thoát mọi ràng buộc khổ đau. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy sự đau khổ của cuộc đời, trong sinh tử luân hồi và những phương pháp tu học để được giải thoát. Ngài cũng chỉ ta cách tạo ra sự an lạc cho cho chúng sanh và hòa bình cho thế giới, lánh ác làm thiện, từ bi, nhân ái và luôn giữ cho thân tâm an lạc. Hộ trì Tăng bảo: Hộ trì những vị Tăng Ni là những người đã lìa bỏ gia đình để tu giải thoát cho mình và lo cứu giúp mọi chúng sanh. Những vị Tăng Ni đã giữ gìn giới luật để duy trì cho giáo lý của Phật tồn tại ở thế gian. Nhờ việc duy trì và gìn giữ đó nên chúng ta mới biết đạo Phật, biết phương pháp tu học giải thoát. Tăng Ni cũng là những vị thay Phật giáo hóa cho chúng sanh truyền trao giáo pháp cho hàng Phật tử  muốn phát tâm cầu đạo. Vì vậy, chúng ta có bổn phận phải tôn kính chư Tăng, Ni và nên cúng dường những nhu yếu phẩm cho Tăng Ni để vun bồi ruộng phước cho mình trong hiện tại và tương lai. Hộ trì xây dựng và phát triển ngôi Tam bảo: Từ ngàn đời xưa, ngôi chùa đã trở thành hình ảnh gần gũi thiết tha của biết bao thế hệ, nơi an tâm tu học của bốn chúng xuất gia, đồng thời là nơi chốn bình yên để gởi gắm tâm linh của thập phương Phật tử. Vì thế muốn thực hiện tốt bổn phận và trách nhiệm của một người con Phật: “Hoằng dương chánh pháp” thì trước hết phải có một nơi chốn ổn định để cùng nhau gắn kết tình yêu thương giữa đạo và đời, cùng nhau thực thi tốt nhiệm vụ: “Chánh pháp lưu truyền, hẳn phải nhờ sự đảm đương của bốn chúng/Thiền môn hưng thịnh đều trong cậy vào người thí chủ phát tâm”. Sự giúp đỡ, trợ duyên của các Phật tử xây dựng và hộ trì ngôi Tam bảo trường tồn với thời gian, để trang nghiêm cảnh Phật và giúp Phật tử có điều kiện tốt hơn để học Phật, nghe Pháp, tu dưỡng tâm Bồ đề kiên cố. Ngoài ra, có những việc công đức Phật tử tại gia nên thường làm như: "Hộ trì, cúng dường tứ sự trong mùa An cư Kiết hạ cho chúng Tăng; Chấp tác, công quả trang nghiêm Tam bảo tùy khả năng, điều kiện mà phát tâm; Hỗ trợ các Phật sự, thiện nguyện của chúng Tăng, bảo vệ Chánh Pháp hoàn thành hạnh nguyện của người Phật tử tại gia là “Phước Huệ song tu phương tác Phật”. Đạo Phật là đạo của Trí tuệ và Từ bi, đến với Đạo Phật là đến với những kinh nghiệm thực tu, thực chứng của chính đức Phật truyền dạy cho Tăng Ni và tín đồ Phật tử. Người Phật tử tại gia phải làm linh động và làm sống dậy tinh thần Phật giáo qua nếp sống cá nhân và gia đình để có được phước báu trong cuộc sống, tinh tấn trong tu tập và an lạc để hướng đến con đường giác ngộ giải thoát.

PSO

Download iOS Download Android