HT. Thích Thanh Hùng thuyết giảng chủ đề “Thiểu dục – Tri túc - Đời sống luôn an lạc” tại khoá tập huấn Học pháp online “Phật học cơ bản”
29/07/2021 10:18
PSO - Học và hiểu chân lý Giáo pháp của đức Phật sẽ thấy có nhiều hình ảnh, phương thức và nhiều cấp độ khác nhau để người Phật tử cảm nhận và đi sâu vào thực hành tu tập. Đối với người con Phật, trước những biến động vượt ra khỏi cụm “Tham, Sân, Si” đó là 3 điều kiện để ngăn cản cho con người không được an lành, không được yên vui. Khi chúng ta xem lại, suy nghiệm có “Tham, Sân, Si” hay không? Đương nhiên chất đó con người ở trong cõi phàm nó luôn luôn theo sát mỗi người. Khi theo sát thì phải làm gì? có cách gì? có phương thức như thế nào để làm ổn hay nhẹ bớt đi?. Đức Phật dạy, chư Tổ cũng dạy chúng ta một số phương thức trong đó có phương thức: “Thiểu dụng Tri túc – Đời sống luôn an lạc”. Đây cũng chính là chủ đề chính được HT. Thích Thanh Hùng – UVTT HĐTS – Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương thuyết giảng tại khoá tập huấn Học pháp online “Phật học cơ bản” trên địa chỉ học trực tuyến: trungtam.hoangphaponline.com do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức vào lúc 20h ngày 28/7/2021 (nhằm ngày 19/6 năm Tân Sửu) cho các học viên là cư sĩ Phật tử.
“Thiểu dục” là mong muốn ít, “Tri túc” là biết đủ. “Thiểu dục Tri túc” là lòng mong muốn vừa đủ, thoả mãn với những gì mình đang có, không tham cầu những thứ khác bằng mọi cách. Nhưng con người không bao giờ biết đủ "Lòng tham của con người vô đáy", sức 50 thì lại muốn 100 tạo ra sốc trong xã hội và cho chính mình. Con người sống không bao giờ thoả mãn với chính mình. Lòng tham của con người vô đáy thì không bao giờ đầy. Đã không thể lấp đầy mà cứ cố làm cho đầy thì chỉ chuốc hoạ vào thân. Đã làm Phật tử thì không nên tham lam. Người không biết đủ thì thân tuy ở thiên đường cũng không vừa ý. Người sống biết đủ thì thân tuy nằm trên đất cũng cảm thấy an lạc. Người Phật tử muốn tu tập chân chánh thì phải sống “Thiểu dục Tri túc” mới có thể tiến đạo được. Chúng ta muốn tấn tu đạo nghiệp thành tựu thì không thể sống nếu không biết đến “Thiểu dục Tri túc”.
Giáo pháp của đức Phật gồm chung cả thế gian và xuất thế gian, tùy theo căn cơ và trình độ cao thấp mà giáo hóa. Trong các cuộc thuyết pháp, từ xưa đức Phật chỉ ra 5 thừa, để chúng sinh lần lượt tụ tập tiến dần đến quả vị vô thượng. 5 thừa trong Phật giáo giống như hệ thống giáo dục Phật giáo từ thấp đến cao gồm: Từ nhân thừa, Thiên thừa; Thanh văn thừa, Duyên giác thừa; Bồ tát thừa …nhằm phát huy giá trị hiểu biết của ngừoi Phật tử để ứng dụng vào trong đời sống hàng ngày.
Đối với chân lý, Kinh điển, người Phật tử phải biết đi từng phần, tiếp thu từng khoảng để làm thế nào vừa đúng, vừa đủ. Trong cuộc sống thực tế hàng ngày, việc ăn (làm sao ăn đúng và đủ, ăn nhiều quá là không Tri túc), làm việc (không sắp xếp thời gian hợp lý, hợp thời cũng thuộc Tri túc) và ngủ nghỉ (thức quá 12h, ngủ không đúng giấc cũng thuộc Tri túc)…Vì vậy, phải ăn, nghỉ, ngủ khoa học thì thân khoẻ, tâm an chính là mấu chốt của sự an lạc. Khi học Giáo lý phải biết ứng dụng Giáo lý vào trong cuộc sống để hoàn thiện chính mình. Đây chính là giá trị cốt lõi, muốn an lạc thì tuỳ theo vị trí, cái chúng ta đang có để “Thiểu dục Tri túc”.
Muốn có hiệu quả trong “Thiểu dụng Tri túc” và “Tham, Sân, Si” mong muốn không phát sinh thì người học Phật tử phải biết tu đức Nhẫn. Khi biết Nhẫn tức là biết đủ, đòi hỏi khi tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi…chúng ta có nhẫn được hay không? Nếu chúng ta biết nhẫn, biết lắng nghe thì chắc chắn chúng ta có được cuộc sống an lạc. Trên lộ trình “Thiểu dục Tri túc” chúng ta biết nương với nhau, trao cho nhau những lời tốt đẹp, một lời nói vô tình sẽ gây tổn thương, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống gia đình và xã hội. Đời sống trải dài, làm sao chúng ta sử dụng trong một ngày, một giờ cho hiệu quả. Trong tất cả các Kinh điển, đức Phật đều cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nỗi khổ là do tham lam. Vì thế, Người đã dạy phương pháp đối trị lòng tham chính là sống theo hạnh “Thiểu dục Tri túc”.
Có năm thứ người đời thường tham, đó là: Tham tiền của; Tham sắc đẹp; Tham danh vọng; Tham vật thực; Tham ngủ nghỉ. Năm thứ tham này Phật giáo gọi là Ngũ dục (Tài, sắc, danh, thực, thuỵ). Tham cái gì thì bị nô lệ cho cái đó. Tham ngũ dục thì chính mình hy sinh cho nó vì kết quả của sự tham dục là sa đoạ. Với người “vô tham, vô sân, vô si” sẽ có cuộc sống luôn an lạc, cuộc sống hạnh phúc khi nhìn thấy cái gì cũng tươi đẹp. Biết đủ sẽ không bị lòng tham điều khiển, dẫn dắt để thỏa mãn cái mong muốn cao xa ngoài khả năng của bản thân. Biết đủ sẽ không cảm thấy ngột ngạt, khó chịu với thực tại, với những gì chúng ta đang có. Để đạt được điều đó, người Phật tử phải học trên Giáo điển của đức Phật để chuyển tải ứng dụng dần vào trong cuộc sống tu tập hàng ngày để có cuộc sống an lạc trong từng phút giây. Và người sống theo hạnh “Thiểu dục Tri túc” là có “Đời sống luôn an lạc”, người hạnh phúc nhất bởi được tự tại trong đời sống mà không bị điều khiển, gò bó, gán ghép. Và “Thiểu dục Tri túc” mang lại sự chủ trong mọi sự vật hiện tượng, cho dù trong cuộc sống có thất bại cũng không làm cho nản lòng hay tuyệt vọng.
Trong đời sống thường nhật, nếu muốn được tự do tự tại tất phải thực hiện bằng được hai nguyên tắc “Thiểu dục” và “Tri túc”. Đặc biệt, khi giao tiếp với mọi người phải biết nhẫn, biết lắng nghe, biết suy, ngẫm đó chính là “Thiểu dục Tri túc”. “Thiểu dục Tri túc” rèn cho người sống có kế hoạch, kỷ cương, khoa học. Chân lý vận dụng vào cuộc sống phải thực tế, hàng ngày phải vun bồi nuôi dưỡng Tuệ giác. Tuệ giác càng cao thì hiểu biết càng đúng. Hiểu đúng lời dạy của đức Phật về “Thiểu dục Tri túc” chắc chắn chúng ta sẽ tìm được sự bình an nơi tâm hồn và tự tại giữa cuộc sống, không bị “Ngũ dục” tri phối trong mọi hoàn cảnh.
Tin,ảnh: PSO