PSO - 20h tối ngày 09/8/2021 (nhằm ngày 02/7năm Tân Sửu), NS Thích Nữ Tuệ Liên – UV HĐTS, UVTT Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuyết giảng: “Giới thiệu khái quát Kinh Vô Ngã tướng” đến các học viên là cư sĩ Phật tử của khoá 1 – khóa tập huấn: Học pháp online “Phật học cơ bản” trên địa chỉ học trực tuyến: trungtam.hoangphaponline.com do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức.
Sau khi thành đạo, Ðức Thế Tôn thuyết giảng thời Pháp đầu tiên là Kinh Chuyển Pháp Luân cho 5 anh em ngài Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển xứ Ba La Nại vào đêm trăng tròn tháng Bảy DL (Rằm tháng 6 âm lịch). Bài Pháp nầy tóm tắt các điểm chính yếu của đạo giải thoát, đó là Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo. Khi Ðức Phật chấm dứt thời Pháp đầu tiên, ngài Kiều Trần Như đắc quả Tu đà huờn.
Và bài Pháp thứ hai mà Ðức Phật giảng cho các vị đệ tử đó là Kinh Vô Ngã tướng. Lúc bấy giờ là năm ngày sau đêm trăng tròn tháng Bảy DL (Rằm tháng 6 âm lịch). Sau khi nghe xong bài Pháp nầy, anh em Ngài Kiều Trần Như đều chứng đắc đạo quả A la hán.
Kinh nghĩa đen là sợi tơ thẳng, xuyên suốt. Sách Phật gọi là kinh, vì có tác dụng xuyên suốt lời dạy của Phật, giữ vững không để mất đạo lý của Phật dạy. Kinh nguyên văn là Khế kinh, trên thì phù hợp với đạo lý, khế hợp lý của Chư Phật, dưới thì phù hợp với trình độ căn cơ người nghe. Phàm là khế lý khế cơ thì gọi là kinh.
Tam tạng kinh điển gồm có: Kinh, Luật, Luận:
(1) Kinh tạng: Bao gồm các bài giảng của chính đức Phật hoặc các đại đệ tử; Kinh điển Phật giáo được phiên dịch từ tiếng Pali, được xem là gần gũi với lời Phật dạy nhất, gồm các bộ kinh như Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh, Tiểu Bộ Kinh... Kinh Bắc truyền như Kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bảo Tích, Kim Cang, Bát Nhã...;
(2) Luật tạng: Ghi chép các điều giới luật do Ðức Phật đặt ra mà người tu hành phải tuân theo;
(3) Luận Tạng: Gồm có Vi diệu pháp (A tỳ đạt ma) và các bản luận giải thích rõ thêm các điều chỉ dạy trong Kinh tạng.
Kinh Vô Ngã tướng: Vô: không có, chẳng có; Ngã: Ta; Tướng: hình tướng. Vô Ngã Tướng: chẳng có cái Ta, chẳng phải là của Ta, chẳng phải là Tự Ngã của Ta.
Nhiều đạo trên thế giới thường cho rằng mỗi người đều có một linh hồn, và linh hồn như vậy đều do đấng thần linh, hoặc chúa trời tạo ra, rồi từ kiếp này sang kiếp khác, linh hồn ấy sau khi chết sẽ vĩnh viễn được lên thiên đường hay đọa xuống địa ngục là do đấng chúa trời ban cho và những điều thưởng phạt cũng do là do vị này hay đấng tạo hóa điều khiển, Trong Phật giáo không có vấn đề đó. Chúng ta thấy Đức Phật đã nhấn mạnh về nghiệp. Ta là chủ nhân đời sống của ta, nghiệp chính là do chúng ta tạo ra và sẽ chi phối cuộc sống của mình. Cái mà người ta thường gọi là linh hồn, ngã hay cái tôi, là để ám chỉ một thực thể tuyệt đối, trường cửu trong con người, bản thể bất biến đằng sau thế giới hiện tượng hằng biến. Đức Phật đã đưa ra tinh thần "vô ngã", để thấy rằng không phải có linh hồn trường cửu bất biến như vậy !
Phật giáo là tôn giáo độc nhất trong lịch sử tôn giáo nhân loại phủ nhận hiện hữu của một linh hồn. Theo giáo lý Phật, ngã kiến là một niềm tin sai lạc, không tương ứng với thực tại, và nó phát sinh những tư tưởng tai hại về "tôi" và "của tôi", dục vọng ích kỷ không biết chán, sự chấp thủ, sân hận, ác độc, kiêu căng ngã mạn, và những cấu uế ô nhiễm. (Thích Nữ Trí Hải dịch - Đức Phật đã dạy những gì)
Do vậy, ai chấp thủ về một cái ngã thường hằng trong thân ngũ uẩn chắc chắn người ấy sẽ bị khổ đau. Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, ai thấy và biết như thật về mắt, tai, mũi, lưỡi thân và ý..., người ấy quán sát sự nguy hiểm, không có ái trước, không bị trói buộc, và không có tham đắm nên năm uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Người ấy cảm nghiệm hạnh phúc của thân và hạnh phúc của tâm”.
"Vô Ngã Tướng" có nghĩa là nhấn mạnh vấn đề chẳng có cái ta, chẳng phải là ta, chẳng phải là tự ngã của ta. Bài kinh Vô Ngã Tướng này nói lên tinh thần vô ngã của Phật giáo.
Các danh từ có liên quan đến ngã như có: Ngã ái, Ngã chấp, Ngã kiến, Ngã mạn, Ngã sở kiến, Ngã tướng,Vô ngã vị tha...
Chứng tín tự (Lục chủng thành tựu): Còn gọi là Thông tự. Ở đầu các kinh, thường dùng câu “Tôi nghe như vầy, một thời Phật ở” v.v... nói rõ sáu việc “nghe, tin, thời, chủ, nơi chỗ và chúng” (gọi là sáu thành tựu), để chứng minh rằng những điều được nói trong kinh là chân thực, đáng tin. Cũng tức là rõ ràng chỉ ra thời gian, địa điểm và những nhân vật dự hội nghe pháp, để khiến chúng sinh biết rằng, những pháp được nghe là chính xác không lầm, nhờ thế mà khởi lòng tin, cho nên gọi là Chứng tín tự. Lời mở đầu mỗi kinh đều sáu loại thành tựu như vậy.
Hai câu đầu của bài kinh Vô Ngã Tướng:
"Thuở Phật ở rừng Hươu,
Dạy năm vị Tỳ khưu"
Kinh nầy chỉ có 4 loại thành tựu: thời (Một thời), chủ (Thế tôn), xứ (Ba la nại, vườn Lộc Uyển), chúng (năm vị Tỳ kheo); thiếu tín thành tựu và văn thành tựu (Tôi nghe như vầy). Khi kiết tập kinh điển, Ngài A Nan trùng tuyên lại lời dạy của Đức Phật, và khi trùng tuyên Ngài A Nan nói: "Như thị ngã văn", mà kinh này lúc đó chưa có ngài A Nan. Cho nên bài kinh Vô Ngã Tướng đặc biệt ở chỗ là chỉ có bốn loại thành tựu.
Kinh Vô Ngã tướng đề cập đến Ngũ uẩn và Tam pháp ấn.
Ngũ uẩn (Sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Đây là một trong những bài pháp vô cùng quan trọng trong hệ thống giáo lý Phật giáo. Ngũ uẩn còn gọi là Ngũ ấm, là năm nhóm tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người nói riêng hoặc chúng sinh nói chung, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái "ta". Ngài Huyền Trang dịch là Ngũ uẩn; ngũ là năm và uẩn là sự tích tụ, tích tập hay nhóm họp; Ngài La Thập dịch là Ngũ ấm, ấm nghĩa là ngăn che, chướng ngại (che mất chân tánh). Có nghĩa là che, ngăn lại, làm cho tối đi; năm thứ này ngăn che cái thấy biết khiến người ta không nhận thức một cách rõ ràng bản chất của các pháp. Ngũ uẩn được dùng phổ biến hơn, trình bày quan điểm của Phật giáo về sự cấu thành con người và thế giới.
Con người được tạo nên bởi hai phần là thân và tâm. Đức Phật đã phân tích hai phần này ra thành năm yếu tố, gọi là ngũ uẩn: Sắc, Thức, Tưởng, Thọ, Hành;
1. Sắc uẩn: Nhóm gồm tất cả sắc pháp; Sắc uẩn: Nhóm gồm tất cả sắc pháp. Sắc do Tứ đại chủng tạo thành, đó là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của các giác quan. chỉ thân và sáu giác quan (hay còn gọi là lục căn, bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý;
2. Thụ uẩn: Các cảm thụ do khổ, vui, không khổ không vui... sinh ra;
3. Tưởng uẩn: Các thứ tưởng do nhãn xúc mà sinh ra, là nhận biết các cảm giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị…, kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện;
4. Hành uẩn: Chỉ cho tất cả pháp hữu vi ngoại trừ sắc, thụ, tưởng, thức, cũng tức là tác dụng của ý chí và tâm.
5. Thức uẩn: nhóm bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Năm nhóm tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái “ta”.
Tam Pháp ấn (Vô Ngã Khổ và Vô thường): Vô ngã là một trong Ba pháp ấn (Tam Pháp Ấn) của sự vật theo Phật giáo. Ấn cũng có nghĩa là chân thực bất biến, là chuẩn mực chứng minh sự chân chính của Phật pháp, cho nên gọi là Pháp ấn. Pháp ấn là dấu ấn của Chánh pháp, là dấu hiệu đặc trưng để nhận biết Phật pháp, nhưng cũng có thể là chỉ cho giáo pháp cô đọng, tinh yếu, cốt tủy, tức là pháp yếu. Sau này, nhiều trăm năm sau Phật Niết-bàn, thuật ngữ Pháp ấn được dùng để chỉ cho kinh điển do Phật thuyết, ngược lại, kinh điển nào có nội dung tư tưởng trái ngược với pháp ấn thì được coi là kinh điển không do Phật thuyết.
Vô Ngã là một trong 3 pháp ấn. Hai pháp ấn còn lại là Khổ và Vô Thường. Cái gì có sinh thì phải có diệt là vô thường; cái gì vô thường thì là khổ; cái gì khổ mà nó biến đổi theo duyên sinh (không tùy thuộc vào ý muốn của nó) thì là vô ngã.
Khổ: Chúng ta sống trong cuộc đời sẽ gặp nhiều nỗi khổ niềm đau, để hoá giải nổi khổ chúng ta phải tu tập để làm thế nào để hoá giải nó. Trong bài pháp Tứ Diệu đế, đức Phật đã nói về Khổ đế – Đó là nói về những nỗi khổ niềm đau, và muốn biết nó là gì thì phải nhận diện ra nó mới có thể giải quyết được.
Vô thường: Đức Thế Tôn nói giáo lý vô thường để chúng sinh thức tỉnh tu hành, để xóa bỏ bản ngã, đạt đến vô ngã. Vô thường là chìa khóa giúp cho chúng ta mở cửa giác ngộ, giúp chúng ta thấy rõ thực hư của cuộc đời để rồi từ đó chúng ta làm chủ khi đối diện với vô thường xảy ra để không đau khổ và tuyệt vọng.
Tính chất khổ và vô thường của năm uẩn là một trong những quan điểm quan trọng nhất của Phật giáo. Khổ xuất phát từ sự bấp bênh, không chắc thật của các uẩn đó; và con người được thành tạo từ năm uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không có một cái “ta” thật sự đứng đằng sau con người đó (Vô ngã). Tri kiến về tính vô ngã của ngũ uẩn là một tri kiến rất quan trọng, nó có thể đưa đến giải thoát.
Kinh Vô Ngã tướng là bài pháp thứ hai sau bài pháp Kinh Chuyển Pháp luân được đức Phật truyền dạy. Kinh Vô Ngã tường đã đề cập đến Ngũ uẩn (Sắc, thọ, tưởng, hành, thức), Tam Pháp ấn (Vô Ngã Khổ và Vô thường). Đây là chân lý cao cả, là gốc cơ bản của Phật giáo và là nội dung trong số kinh nghiệm giác ngộ của đức Phật. Kinh Vô Ngã tướng đưa chúng ta tìm về những nguyên nhân dẫn đến khổ đau cũng như con đường giúp chúng sinh vĩnh viễn giải thoát khổ đau, đạt được hạnh phúc chân thật.
Nguyên văn bài Kinh Vô Ngã tướng tướng do Ni trưởng Huỳnh Liên thi hóa từ bản dịch của HT. Thích Minh Châu
KINH VÔ NGÃ TƯỚNG
(Lúc Đức Thế Tôn mới thành đạo, Ngài đến vườn Lộc Uyển, xứ Ba La Nại thuyết pháp cho năm vị Tỳ khưu nhóm Kiều Trần Như nghe, bài thứ nhứt là kinh Chuyển Pháp Luân và bài thứ nhì là kinh Vô Ngã Tướng)
Thuở Phật ở rừng Hươu,
Dạy năm vị Tỳ khưu.
Rằng sắc thân vô ngã,
Chẳng phải của ta đâu.
Nếu sắc thân hữu ngã,
Không phải chịu khổ đau.
Vì sắc thân vô ngã,
Nên thường chịu khổ đau.
Vì sắc thân vô ngã,
Cho nên không thể có,
Xin thân được thế này,
Xin thân đừng thế nọ.
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức,
Thảy đều y như nhau,
Thảy đều là vô ngã,
Thảy đều chịu khổ đau.
- Này Tỳ khưu các bậc,
Thân thường hay vô thường ?
- Thân vô thường, bạch Phật.
- Vật vô thường khổ vui ?
- Bạch Phật, vật ấy khổ.
- Vật vô thường đã khổ,
Có nên rằng của ta ?
- Bạch Phật, chẳng nên đó ! O
- Này Tỳ khưu các bậc,
Thọ thường hay vô thường ?
- Thọ vô thường, bạch Phật.
- Vật vô thường khổ vui ?
- Bạch Phật, vật ấy khổ.
- Vật vô thường đã khổ,
Có nên rằng của ta ?
- Bạch Phật, chẳng nên đó ! O
- Này Tỳ khưu các bậc,
Tưởng thường hay vô thường ?
- Tưởng vô thường, bạch Phật.
- Vật vô thường khổ vui ?
- Bạch Phật, vật ấy khổ.
- Vật vô thường đã khổ,
Có nên rằng của ta ?
- Bạch Phật, chẳng nên đó ! O
- Này Tỳ khưu các bậc,
Hành thường hay vô thường ?
- Hành vô thường, bạch Phật.
- Vật vô thường khổ vui ?
- Bạch Phật, vật ấy khổ.
- Vật vô thường đã khổ,
Có nên rằng của ta ?
- Bạch Phật, chẳng nên đó ! O
- Này Tỳ khưu các bậc,
Thức thường hay vô thường ?
- Thức vô thường, bạch Phật.
- Vật vô thường khổ vui ?
- Bạch Phật, vật ấy khổ.
- Vật vô thường đã khổ,
Có nên rằng của ta ?
- Bạch Phật, chẳng nên đó ! O
Sắc thô, tế, quý, tiện,
Sắc bên trong, bên ngoài,
Sắc tam thế cận viễn,
Cũng chỉ là sắc thôi.
Các thầy dùng tuệ trí,
Xem sắc theo chơn lý,
Đó chẳng phải là ta,
Của ta, thân ta vậy !
Thọ thô, tế, quý, tiện,
Thọ bên trong, bên ngoài,
Thọ tam thế cận viễn,
Cũng chỉ là thọ thôi.
Các thầy dùng tuệ trí,
Xem thọ theo chơn lý,
Đó chẳng phải là ta,
Của ta, thân ta vậy !
Tưởng thô, tế, quý, tiện,
Tưởng bên trong, bên ngoài,
Tưởng tam thế cận viễn,
Cũng chỉ là tưởng thôi.
Các thầy dùng tuệ trí,
Xem tưởng theo chơn lý,
Đó chẳng phải là ta,
Của ta, thân ta vậy !
Hành thô, tế, quý, tiện,
Hành bên trong, bên ngoài,
Hành tam thế cận viễn,
Cũng chỉ là hành thôi.
Các thầy dùng tuệ trí,
Xem hành theo chơn lý,
Đó chẳng phải là ta,
Của ta, thân ta vậy !
Thức thô, tế, quý, tiện,
Thức bên trong, bên ngoài,
Thức tam thế cận viễn,
Cũng chỉ là thức thôi.
Các thầy dùng tuệ trí,
Xem thức theo chơn lý,
Đó chẳng phải là ta,
Của ta, thân ta vậy !
Này các thầy Tỳ khưu,
Thanh văn nghe thấy rõ,
Chán nản thân sắc, hành,
Chán nản thức, tưởng, thọ.
Khi chán nản như thế,
Được xa lánh dục tình,
Được phát sanh trí tuệ,
Nẻo giải thoát đành rành.
Bậc ấy đã hiểu rành,
Đạo cao mình chứng đắc,
Phận việc đã thi hành,
Kiếp sanh rày chấm dứt.
Phật giảng kinh vừa dứt,
Năm Tỳ khưu hỷ hoan,
Bản ngã không còn chấp,
Lậu hoặc thảy tiêu tan.
Hồ Thuỷ