PSO – Ngày 23/6/2024 Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM đã tổ chức khóa tu một ngày An lạc tại chùa Phổ Quang quận Tân Bình với chủ đề “Vượt qua chướng ngại bệnh tật”.
Tham dự và thuyết giảng Khóa tu có nhị vị Thượng tọa giảng sư: TT.Tiến sĩ Thích Giác Hiệp – UV.HĐTS, Phó Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM và TT.Tiến sĩ Thích Lệ Thọ – Ủy viên Ban Trị sự, Phó Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM. Qua hai thời khóa thuyết giảng của nhị vị Giảng sư Phật tử chúng ta cần biết rõ và nắm vững rằng những bệnh tật của mình trong hiện tại là kết quả của nghiệp nhân gây nên bệnh trong quá khứ (xa và gần). Và dĩ nhiên, muốn hết bệnh thì phải chuyển hóa nghiệp, Vậy người Phật tử nên làm gì ? Trước hết để chuyển hóa bệnh nghiệp, trước hết nên đi đến các bệnh viện chuyên khoa để khám chữa bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Kế đến, cần tham vấn các nhà chuyên môn để biết những nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ hiện thực đời sống của mình như ăn, ở, công việc, sinh hoạt, vui buồn v.v… nhằm tự điều chỉnh và khắc phục. Ví dụ như hàng ngày uống ít nước quá thì uống thêm, uống nhiều rượu quá thì bớt lại, ăn mặn quá thì nhạt bớt, nhiều đường quá thì giảm bớt, thức khuya quá thì nên ngủ sớm hơn v.v…
Đã bệnh thì nên tìm đến bác sĩ, Tây y không bớt thì chuyển sang Đông y, kết hợp với ý thức tự điều chỉnh lối sống có lợi cho sức khỏe thì may ra mới bớt bệnh. Trong trường hợp đã cố gắng chạy chữa bằng nhiều cách nhưng bệnh ít thuyên giảm, người Phật tử nên phát nguyện lễ Phật sám hối nghiệp chướng tiền khiên. Nghiệp nhân chủ yếu ở những đời trước khiến đời này chịu nhiều tật bệnh nan y khó chữa là sát hại chúng sanh, không lo phóng sanh cứu mạng. Do đó, song hành với sám hối nghiệp chướng thì phóng sanh và làm phước là những thiện nghiệp nên làm.
Người Phật tử khi bị bệnh tuyệt không nên tìm đến thầy bói vì thầy bói mà khám bệnh thì chắc chắn chỉ chẩn đoán ra một loại bệnh “âm” mà thôi. Hiện trong dân gian vẫn còn một số người tin theo bệnh “âm” vì nhiều lý do khác nhau. Nói chung bệnh “âm” chỉ tồn tại với những ai tin nó theo lời thầy bói. Theo Phật giáo, tin vào bất cứ thứ gì mà ta không hiểu, không có căn cứ, mù mờ về nó mà vẫn tin đó là mê tín. Do vậy, không nên tin theo việc thờ cúng thần linh nhằm chữa bệnh để khỏi “tiền mất, tật mang”.
Sau buổi tụng kinh và thiền hành, toàn thể đại chúng vân tập tham dự buổi Pháp đàm. Tại buổi Pháp đàm các vị giảng sư trả lời nhiều câu hỏi và những nội dung hay về chủ đề, Theo Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức, Phật Dược Sư có 12 đại nguyện để cứu độ chúng sanh khỏi đau khổ và tai họa. Ai nghe được danh hiệu của Ngài sẽ thoát khỏi 3 đường ác đạo và sanh vào cõi trời. Phật Dược Sư là Giáo chủ của cõi nước Tịnh Lưu Ly ở phương Đông, với hai vị trợ thủ đắc lực là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu. Hình tượng của Ngài thường có màu xanh dương đậm, ngồi kiết già, tay cầm tháp Dược Dư 7 tầng hoặc cái bát thuốc.
Đức Phật Dược sư là một đấng giác ngộ có lòng bi mẫn vô lượng đối với hết thảy chúng sinh. Ngài hộ trì chúng sinh tránh khỏi những đớn đau về tâm hồn và thể xác, khỏi những hiểm nguy và chướng ngại, và giúp họ trừ diệt tam độc tham – sân – si cội nguồn của mọi bệnh tật và nguy hại. Ngài là đấng Y vương Toàn giác. Khi còn đang hành đạo Bồ tát, Ngài đã phát ra 12 nguyện lớn có công năng cứu giúp hết thảy chúng sinh bị đói rách, bệnh tật, thân hình xấu xa, chuyển nữ thành nam… khiến họ được đầy đủ các thiện căn và thành tựu sở nguyện.
Dưới đây một số hình ảnh ghi nhận thêm:
Thực hiện: Tổ Thông Tin & Truyền Thông Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM