PSO
TT.Thích Minh Quang thuyết giảng “Kỹ năng tổ chức khoá tu mùa hè thời đại 4.0” tại khoá tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0
PSO - Mỗi năm sắp đến kỳ nghỉ hè, cũng là lúc năm học chính khoá được khép lại, các phụ huynh thường lo lắng làm thế nào để cho con em mình có được một mùa hè thật ý nghĩa, vui chơi nhưng vẫn phát huy được những kỹ năng sống cần thiết. Thấu hiểu được tâm lý và nguyện vọng đó, xác định mùa hè chính là thời điểm vàng để tổ chức các khoá tu dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, trong những năm qua, đã có nhiều chùa, tự viện trong toàn tổ chức những khoá tu mùa hè bổ ích dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, giúp các em vừa có thể vui chơi, thư giãn một cách thoải mái vừa có thể trau dồi, rèn luyện, phát triển kỹ năng sống một cách toàn diện.
Vậy làm thế nào để để tổ chức thành công khoá tu mùa hè thật bổ ích và ý nghĩa? Đó chính là nội dung được TT. Thích Minh Quang -UV HĐTS, Phó Văn phòng 1, TƯGH chia sẻ đến các học viên của khoá 1 - Tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0 do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức vào chiều ngày 19/7/2021 (nhằm ngày 10/6 năm Tân Sửu) với đề tài: “Kỹ năng tổ chức khoá tu mùa hè thời đại 4.0” trên địa chỉ học trực tuyến trungtam.hoangphaponline.com.
Việc tổ chức thành công khoá tu mùa hè đó là lan toả tinh thần khoá tu đến với cộng đồng xã hội, lan toả những lời dạy của đức Phật đến các tu sinh và phụ huynh. Kết thúc khoá tu, các em có được trải nghiệm quý báu bởi khoá tu thực sự là sân chơi lý tưởng các em được học tập và tu dưỡng bản thân để thay đổi những thói quen không tốt và phát huy được những thói quen tốt của mình. Để đạt được những tiêu chí trên đòi hỏi người tổ chức phải đầu tư nhiều công sức, kinh phí, chú ý 3 tiêu chí “An toàn, hiệu quả và lan toả”. Và đặt biệt hơn nữa đó là 5 nội dung trọng tâm là: “Mục đích & ý nghĩa của khóa tu; Nội dung, chương trình, cơ sở vật chất và đội ngũ tình nguyện viên; Sử dụng kỹ năng mềm & ứng dụng công nghệ trong tổ chức và quản lý khóa tu; Kết quả đạt được từ khóa tu; Một số hạn chế và bất cập”.
Mục đích và ý nghĩa (có 2 nội dung): Khoá tu mùa hè để chúng ta tạo cơ duyên để các bạn trẻ tiếp cận Phật pháp và ươm mầm từ bi trí tuệ. Không ít người có quan niềm “Trẻ vui nhà, nhà vui chùa”, chùa là nơi dành cho người già, không phải dành cho thế hệ trẻ, đạo Phật là tín ngưỡng, độ tử… Hiện nay, quan niệm này còn rất nặng nề ở nhiều địa phương trên đất nước Việt Nam, chính vì vậy, khi tổ chức khoá tu mùa hè đối tượng là học sinh, sinh viên đòi hỏi người tổ chức phải truyền tải được mục đích và ý nghĩa của việc tổ chức thông qua khoá tu đó là: Chùa không đơn thuần phục vụ tin ngưỡng mà nhà chùa còn nơi giáo dục cộng đồng, tu dưỡng thân tâm cho lớp trẻ, là môi trường giáo dục, hướng thiện học đạo đức. Đến với khóa tu mùa hè, các em sẽ có một sân chơi lành mạnh, bổ ích, các em sẽ được bổ trợ và rèn luyện kỹ năng sống, những kiến thức mà có thể các em chưa từng học qua trong trường học. Việc tổ chức các khoá tu mùa hè là cơ hội rất tốt để tạo cho các em cơ duyên tiếp cận với Phật pháp, cung kính Tam bảo.
Thể hiện tính nhân văn, giáo dục vượt trội của phật giáo: Đạo Phật không đơn thuần là Tôn giáo mà còn là nền triết học, giáo dục chỉ đường, chân lý và giải thoát, giác ngộ an vui. Học Phật để thấu rõ sự thật bản thân cuộc đời là vô thường, vô ngã. Vì vậy, tổ chức khoá tu mùa hè tức là Phật giáo cũng đóng góp phần nhỏ bé trong việc trồng người, đặc biệt lứa tuổi học sinh, sinh viên. Việc tổ chức khoá tu là thể hiện tính nhân văn, tính giáo dục vượt trội của Phật giáo đối với thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, giúp các em chăm ngoan, nỗ lực rèn luyện sẽ trở thành những người công dân có ít cho xã hội.
Nội dung chương trình, cơ sở vật chất tình nguyện viên, tạo sân chơi lành mạnh: Ban tổ chức phải xây dựng chương trình cho phù hợp với lứa tuổi và hài hoà các nội dung tu học, vui chơi, ngồi thiền, tụng kinh… với nhau. Nội dung tổ chức mỗi năm phải thay đổi tạo sự hiếu kỳ để hấp dẫn cho các khoá sinh háo hức khi tham dự các khoá tu tiếp theo. Cơ sở vật chất phải đáp ứng được nhu cầu ăn, ở, tắm, giặt… Để một khóa tu thành công viên mãn chúng ta phải chuẩn bị kỹ nội dung, cấu trúc chương trình, cơ sở vật chất và đội ngũ tình nguyện viên chuyên nghiệp. Đội ngũ tình nguyện viên phải được tập huấn, năng nổ và có đủ điều kiện làm huynh trưởng hay giám luật (điều kiện phải từng tham gia 3 khoá tu), làm việc đoàn kết, nhiệt tình và chuyên nghiệp.
Sử dụng kỹ năng mềm và ứng dụng công nghệ
Sử dụng kỹ năng mềm (5 kỹ năng): Kỹ năng sống: (Sống hướng thiện (làm lành lánh dữ); Sống tích cực, hạn chế tiêu cực trong cuộc sống; Sống lạc quan (không bi quan); Sống yêu thương; Sống hiểu biết; Sống biết ơn; Sống có trách nhiệm (với tự thân, luôn tu sửa thân, khẩu, ý và trách nhiệm với gia đình, với xã hội)); Kỹ năng giao tiếp (Hiếu kính ông bà, cha mẹ, tôn sư trọng đạo, hoà đồng với mọi người, đặc biệt các bạn trong khoá tu); Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng lãnh đạo (quản lý thời gian, ăn uống, tắm giặt…); Kỹ năng xử lý tình huống (Bình tĩnh kịp thời xử lý những tình huống bất trắc).
Ứng dụng công nghệ: Đối với công tác tuyển sinh: chúng ta phải áp dụng phương pháp công nghệ 4.0 và ứng dụng vào trong việc quản lý như: Thông báo tuyển sinh; Sử dụng phần mềm chuyên dụng; Hạn chế tiếp nhận hồ sơ trực tiếp; Phiếu đăng ký tham gia khoá tu có ảnh 3x4 và phải có sự xác nhận của phụ huynh (chặt chẽ ngay từ đầu vào).
Đối với công tác giảng dạy: Phải xây dựng nội dung xoay quanh chủ đề của khoá tu, trú trọng phương pháp giảng dạy trực quan, những bài giảng Phật pháp gần gũi dễ nhớ để các em dễ tiếp cận. Lồng những bài giảng về đạo đức, lối sống, bảo vệ môi trường, tệ nạn xã hội…để tuyên truyền cùng với những bài giảng về Phật pháp.
Công tác tuyền thông: Đóng vai trò quan trọng của một khoá tu, thành lập ban truyền thông có nghiệp vụ chuyên môn cao để tuyên truyền nêu bật lên được những giá trị và hoạt động chính của khoá tu. Phải truyền thông trước, trong và sau khoá tu. Xây dựng những hình ảnh, video clip, phỏng vấn các tu sinh để cá em nói lên những cảm nghĩ của mình khi tham gia khoá tu, chụp tất cả những hình ảnh học pháp, sinh hoạt, vui chơi của các em ở mọi nơi, mọi lúc, các góc ngồi để các phụ huynh ở nhà có thể theo dõi con em mình trên trang thông tin của khoá tu.
Công tác lưu trữ tài liệu: Toàn bộ dữ liệu như: Nội dung, hình ảnh, video clip của khoá tu nên số hoá, lưu trữ lại để mỗi năm tổ chức, căn cứ vào đấy để điều chỉnh lại cho phù hợp.
Kết quả đạt được từ khoá tu: Sau một tuần, 5 ngày, 3 ngày tham gia khoá tu các em sẽ nhìn lại bản thân và có trách nhiệm với cha mẹ và thay đổi bản thân. Nhiều em khi tham gia khoá tu, ngày thứ nhất vẫn còn cảm giác nhớ nhà, ngày thứ 2 các em bắt nhịp được các thời khoá, lắng đọng tĩnh tâm, nhiều em nhận ra những lầm lỗi trước đây của mình và tự hứa với lòng khi trở về nhà sẽ không làm cho cha mẹ buồn phiền nữa…
Hạn chế và bất cập khi tổ chức khoá tu: Chúng ta chưa có bộ quy chuẩn cho việc tổ chức khoá tu mùa hè; Nhân lực, khả năng của Tăng Ni tổ chức khoá tu không nhiều; Tổ chức khoá tu mùa hè mang tính chất sự kiện (chúng ta phải tổ chức chuyên sâu); Nếu không có quỹ kinh phí hạn chế sẽ rất vất vả; Chúng ta phải đề cao vai trò hộ pháp của các mạnh thường quân…
Nếu như chúng ta áp dụng những “Kỹ năng tổ chức khoá tu mùa hè thời đại 4.0” nêu trên thì công tác tổ chức sẽ đạt được những kết quả rất tốt. Bởi qua khoá tu mùa hè, các em tránh xa các cơ hội không lành mạnh khác, được rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết, tăng cường giao lưu gắn kết tập thể với chuỗi hoạt động tu học và vui chơi, nghỉ ngơi thú vị. Giá trị việc tổ chức khoá tu có hiệu quả rất lớn nếu như chúng ta biết khai thác và phát huy triệt để. Việc tổ chức thành công khoá tu mùa hè chính là cơ hội lan toả năng lượng thiện lành và tích cực cho xã hội bởi thông qua khoá tu mùa hè các Tăng Ni đã tạo được sự gần gũi kết duyên Phật pháp đối các bạn trẻ và đặc với các phụ huynh và người thân của các em.