Hoằng Pháp Online

TT.Thích Phước Nghiêm thuyết giảng “Kỹ năng tổ chức khoá tu Thanh thiếu niên thời đại 4.0” tại khoá tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0

 “Đất nước tồn vong, đạo Phật đồng hành cùng dân tộc; Quốc gia suy thịnh, tuổi trẻ tiến bước dựng non sông”

Bất cứ quốc gia, tổ chức nào trên thế giới thì đội ngũ kế thừa rất quan trọng. Phật giáo luôn đồng hành cùng Dân tộc, dù lúc hưng thịnh hay sống cảnh thăng trầm. Đất nước phát triển, Phật giáo xương minh. Đồng hành cùng dân tộc, nghĩa là đạo Phật luôn có trách nhiệm kiến tạo xã hội ổn định, tươi trẻ, nhiệt huyết và giàu sức sống đạo đức, nhân văn, nhất là đối với thế hệ trẻ. Duy trì mạng mạch phật pháp không thể thiếu đó là chăm lo cho thế hệ trẻ thanh thiếu niên. Công cuộc giáo dục thế hệ trẻ, hướng cho các em đến với một sân chơi bổ ích là điều mà lãnh đạo TƯ GHPGVN hết sức trú trọng bởi tuổi thanh thiếu niên là tuổi thích hợp nhất khi để hướng các em đến với ngôi nhà Phật pháp. “Kỹ năng tổ chức khoá tu Thanh thiếu niên thời đại 4.0” đó chính là chủ đề được TT. Thích Phước Nghiêm - Phó ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Tổng biên tập Kênh Thông tin Tổng hợp Phật sự online chia sẻ đến các học viên của khoá 1 - Tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0 do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức vào chiều ngày 17/7/2021 (nhằm ngày 08/6 nằm Tân Sửu) trên địa chỉ học trực tuyến trungtam.hoangphaponline.com. Trong bài chia sẻ của mình, Thượng toạ nhấn mạnh đến đối tượng hoằng pháp là Thanh thiếu nhi trong các khoá tu mùa hè, hội trại tuổi trẻ. Được biết, trong toàn quốc hiện nay có hơn 18 ngàn ngôi chùa, tuy nhiên số lượng chùa có điều kiện tổ chức các sân chơi, mô hình sinh hoạt khoá tu cho các em chiếm số lượng rất nhỏ. Vậy với đối tượng Thanh thiếu nhi này chúng ta có phương án, chuẩn bị như thế nào để phát triển? Thượng toạ chia sẻ điều đầu tiên, trước khi tổ chức khoá tu, hội trại các vị trụ trì, giảng sư phải có 2 mô hình cần phải lưu ý đó là: Xây dựng kế hoạch và lên kịch bản chi tiết: Nếu như là tổ chức Khoá tu mùa hè thì xác định việc Tu học 60% - Vui chơi 40%; Hội trại thì việc Tu học 40% - Vui chơi 60%. Căn cứ vào tiêu chí đó, Ban tổ chức xây dựng và lên kế hoạch chi tiết trong quá trình tổ chức như: Quản lý, thuyết pháp, tu học, trò chơi, thắp nến tri ân… vừa áp dụng theo truyền thống nhưng cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Quản lý danh sách, điện thoại, địa chỉ phải được cập nhật và lưu giữ bởi đây chính là lực lượng truyền thông trong những kỳ tổ chức tiếp theo. Quảng bá, truyền thông: Phải có lực lượng truyền thông được đạo tạo bài bản và chuyên nghiệp, nắm nội dung công việc tổ chức trước 1 tuần để triển khai trước, trong, sau chương trình. Trong quá trình tổ chức luôn luôn duy trì lực lượng nòng cốt (tình nguyện viên) được đào tạo, huấn luyện bài bản, đặc biệt là hiểu giáo lý của đạo Phật cùng dấn thân với trụ trì. Trong thời đại 4.0, việc truyền thông quảng bá rất quan trọng, vì vậy phải xây dựng nội dung kịch bản chi tiết mà nội dung có mang lại lợi ích gì khi các em tham dự hội trại, khoá tu mùa hè? Ngoài việc quản lý, thuyết pháp, tu học, thắp nến tri ân … thì việc đưa các trò chơi vào khóa tu, hội trại cũng phải mang tính giáo dục của Phật giáo. Thượng toạ đã dẫn ra một ví dụ cụ thể việc đưa trò chơi vào trong hội trại tuổi trẻ và Phật giáo do Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử TƯ tổ chức. Tại Hội trại Hào khí miền Đông và Tình đất Phương Nam tổ chức năm 2017-2018 tại Thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai) và Thiền viện Trúc lâm Phương Nam (Cần Thơ), Ban tổ chức đã đưa trò chơi với tên gọi: Phiên chợ Quê hương vào trong chương trình. Trong phiên chợ quê hương Ban Tổ chức đã tái hiện lại những khung cảnh hiện thực từ cuộc sống thường nhật, giao lưu, trao đổi giữa người mua, người bán, kẻ trao, người nhận, tạo nên dấu ấn của một phiên chợ xưa. Việc lồng ghép một xã hội thu nhỏ trong phiên chợ, nơi có nhiều hạng người với những tính cách khác nhau, người tốt, kẻ xấu, bán hàng, mua hàng… Ban tổ chức phát hành tiền riêng (tiền tự in của BTC) và hàng hoá để các em tự kinh doanh mua và bán. Để thu hút khách hàng ghé thăm, các em phải suy nghĩ trong việc lên ý tưởng, cho đến việc phải học cách ứng xử như thế nào đối với khách mua hàng. Qua phiên chợ Ban tổ chức muốn gửi gắp thông điệp: Việc kiếm tiền, phải suy nghĩ, bỏ mồ hôi, công sức, thậm chí mất cả nước mắt chỉ để có tiền chuẩn bị bữa cơm cho trại của mình ngày hôm nay và rộng hơn là cha mẹ các em ngoài kia đang ngày đêm bươn trải để lo cho các em. Nhiều em, qua phiên chợ biết trân quý đồng tiền và khóc nức nở khi thấy mình lâu nay có lỗi với cha mẹ, không quan tâm đến cha mẹ mà chỉ biết đòi hỏi và yêu cầu. Khi trải qua những sự việc trên, các em tự hứa với bản thân mình, các thầy cô trong Ban tổ chức sẽ sửa mình và khi trở về nhà sẽ là những người con ngoan, giúp đỡ cha mẹ mình nhiều hơn. Có thể nói, những người làm công tác hoằng pháp đối với thanh thiếu niên sẽ gặp khó khăn rất nhiều bởi các em đang ở tuổi lớn, ương ngạnh và khó bảo. Vì vậy, trong công tác này đòi hỏi những người tổ chức phải: Có Tâm nhiệt huyết với tuổi trẻ; Có Tầm để xây dựng lên kế hoạch chi tiết; Có Tiền để lo cho các em ăn, nghỉ đầy đủ. Đặc biệt là phải xây dựng và tạo mối giao lưu tốt với địa phương nơi mình tổ chức. Ngoài những nội dung truyền thống, thì phải phát huy công nghệ 4.0 để quảng bá nhằm lan toả sự kiện đến với các bạn trẻ, đặc biệt là các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý đến việc những kẻ xấu lợi dụng truyền thông để đưa thông tin xấu và có những tác động tiêu cực để giới trẻ quay lưng lại với Phật giáo. Chúng ta phải lường trước được toàn bộ sự việc và cắt cử người quản lý, theo dõi để kịp thời xử lý truyền thông, tránh gây ảnh hưởng đến chương trình. Nếu như có mối quan hệ tốt với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình bên ngoài thì nên phát huy triệt để để lan toả sự kiện trước, trong và sau khi tổ chức. Tại buổi giảng, Thượng toạ cũng thông tri thêm đến các học viên đó là: Trong thời gian qua, để phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp giáo dục với thanh thiếu niên và tập trung mô hình chương trình truyền bá chánh pháp cho tầng lớp thanh thiếu niên, cung cấp những kỹ năng và nghệ thuật sống hạnh phúc cũng như nhận thức về giá trị thực của đời người theo tinh thần Phật giáo, Phân ban TTNPT TƯ đã xuất bản bộ giáo trình: Phật pháp vào đời, gồm 5 tập dành cho Thanh thiếu nhi Phật tử; đã tái bản cuốn Cẩm nang Hội trại - Khóa tu; Hướng dẫn thành lập các Câu Lạc bộ TTNPT tại các tự viện trong phạm vi toàn quốc …Quý vị nào quan tâm có thể liên lạc với bộ phận thư ký Phân ban để được nhận tài liệu.   Để những “Kỹ năng tổ chức khoá tu Thanh thiếu niên thời đại 4.0” phát huy triệt để đối với giới trẻ, đòi hỏi những vị trụ trì, giảng sư phải là người gieo vào tâm hồn các em những hạt giống lành. Bởi tuổi trẻ khi được học hỏi giáo lý của đức Phật, các em sẽ có một tâm hồn bao dung, tu dưỡng thân tâm, làm giàu trí tuệ, sống lạc quan, sống hạnh phúc không bi quan, không đầu hàng khi đối mặt với những khó khăn, không phụ thuộc vào sự may rủi để hưởng thụ, trở thành người hữu dụng cho đời, góp phần xây dựng cho quê hương đất nước ngày càng vững mạnh. Và câu ca “Trẻ vui nhà, già vui chùa” sẽ không còn đúng với thời đại 4.0 ngày hôm nay nữa.

PSO

Download iOS Download Android